LỜI VÀNG PHẬT DẠY

Sở dĩ người ta đau khổ chính vì mãi đeo đuổi những thứ sai lầm.

LỜI VÀNG PHẬT DẠY

Khi bạn vui, phải nghĩ rằng niềm vui này không phải là vĩnh hằng. Khi bạn đau khổ, bạn hãy nghĩ rằng nỗi đau này cũng không trường tồn.

LỜI VÀNG PHẬT DẠY

Người mà trong tâm chứa đầy cách nghĩ và cách nhìn của mình thì sẽ không bao giờ nghe được tiếng lòng người khác.

LỜI VÀNG PHẬT DẠY

Đừng bao giờ lãng phí một giây phút nào để nghĩ nhớ đến người bạn không hề yêu thích.

LỜI VÀNG PHẬT DẠY

Đừng khẳng định về cách nghĩ của mình quá, như vậy sẽ đỡ phải hối hận hơn.

Thứ Tư, 14 tháng 9, 2016

Đừng chê ai hết


1. Ngó thấy lỗi người thật dễ, nhìn lỗi mình mới khó. Câu này nghe quen quen nhưng ta cứ... quên quên hoài, nên ta cứ hoài nói lỗi, chê bai hết người này tới người nọ, hết tổ chức này tới đất nước kia.
Chê là một tập khí dễ vận hành hơn khen, thừa nhận những giá trị của người khó hơn là tìm ra lỗi (dù nhỏ nhất, khó thấy nhất). Tất nhiên, nếu chúng ta hành xử theo tập khí này thì chắc chắn ta cũng sẽ bị đối lại như thế, trong trường hợp tương tự hoặc một trường hợp khác.

 Làm người vì thế cứ phải... đấu đá nhau, để rồi lấy đi hạnh phúc của mình, của người mà cứ nghĩ như thế mới đem tới hạnh phúc hoặc bảo vệ những thành quả mà mình đang có.

Hôm qua, hôm kia gì đó, tôi đọc được đoạn ngắn trên Facebook của đồng đạo, câu chuyện kể rằng, có người hỏi vị thiền sư, làm hại người khác có tội không? Thiền sư trả lời: không.



Người đó thắc mắc quá, hỏi, làm hại người khác mà không tội, kỳ vậy? Thiền sư đáp, tội phước trong Phật giáo - trong đôi mắt của người học Phật không phải là quyền năng ban tặng hay trừng trị, vì tội phước được quy về chỗ nhân quả. Anh hại người thì anh gieo nhân xấu, anh sẽ chịu quả xấu theo tiến trình nhân quả của riêng anh, không ai có quyền bắt anh phải chịu hay không ai có quyền xóa nhân đó cho anh cả, nên trả lời không có tội là vì vậy.

2. Bạn tôi hồi tối nhắn tin, nói, tớ nghĩ kỹ rồi, điều tuyệt vời nhứt của một con người là mình nhận ra được cái sai, cái dở của bản thân để sửa chứ không phải mình sẽ làm cho mọi người thấy mình tốt đẹp như thế nào.

Câu ấy thật hay nếu mình đọc cho kỹ. Thực ra, mỗi ngày và mỗi người chúng ta đang diễn vai tốt đẹp cho mọi người thấy hơn là chỉnh sửa từ bên trong. Quan trọng là nhận ra những điểm chưa tốt của mình để mình thực sự tốt lên dù cho họ có nhận ra hay không. Diễn cho người ta hiểu mình tốt là ta đang cố tốt, biểu hiện (khoe) cái tốt cho người ta thấy mà không dám nói cái chưa tốt để sám hối là ta đang chạy theo tiếng khen, không dám đối mặt với sự thật cái dở còn đó trong mình - thì ngay đó ta đã không tốt rồi.

Cái đó là giả vờ có đạo đức, một kiểu bị kẹt mà hầu như ai cũng mắc phải, trong đó có người viết những dòng này. Tôi vẫn còn tham, vẫn còn sân, còn si mê dữ lắm. Nói thế để biết mình còn dở, như đứa em của tôi nói với tôi hồi chiều này: thiệt sự em vẫn còn háo sắc lắm!

Đó là một lời bộc bạch chân thành, một sự giãi bày để người kia hiểu được mình và thương mình, có cơ hội sẽ giúp mình, nâng đỡ mình.

3. Thật thà mà nói, tôi là người còn nhiều tham-sân-si, còn dính mắc đủ thứ trên trời dưới đất, còn buông lung, còn nghĩ, làm những điều mà nếu có một máy quay ghi lại hết tất cả thì... chắc kỳ cục lắm. Tôi đang cố gắng để sửa dần, bỏ bớt, để xin được làm người hiền.

Thầy dặn, đừng có chê ai hết nghe. Chê người khác là đem cái xấu bỏ vô tàng thức của mình, đem năng lượng không hay về tưới tẩm hạt giống tương tự trong ta. Điều này rất đúng, nói theo kiểu dân gian là “nói trước bước không khỏi”, nghĩa là ta sẽ vấp lại cái ta đã chê, đã nói người khác.

Họa tùng khẩu xuất còn ở chính nghĩa này - cái nghĩa ta sẽ rơi vào tình huống khóc dở khi ta mở miệng ra là lên mặt chê trách đủ thứ chuyện, với tất cả mọi người... Nhớ thế để tịnh ý, tịnh khẩu thì nhìn đâu cũng sẽ tịnh hết, cũng thấy được cái dễ thương của đất trời, cây cỏ và muôn loại. Được vậy thì ta sẽ kết thiện duyên, trở thành thân bằng quyến thuộc của số đông, ngược lại thì thành chống báng, thành oán thù.

Xem thêm: phật pháp ứng dụng - Học cách hiểu thất bại

Phật pháp nhiệm màu: Phải chăng cuộc đời đã được lập trình sẵn?

Lập trình mà không phải lập trình, đây là một cách lập trình rất kỳ lạ: chỉ lập trình trên nguyên lý thôi còn ứng dụng thì tự do chọn lựa của mỗi người. Ngược lại dù tự do chọn lựa nhưng cuối cùng vẫn phải học ra sự vận hành theo nguyên lý của pháp chứ không phải muốn gì theo ý mình cũng được. Rốt cuộc chọn lựa đường nào rồi cũng phải học cho ra nguyên lý của pháp mới thôi.



HỎI: Thưa Thầy phải chăng cuộc đời đã lập trình sẵn?

TRẢ LỜI: Cuộc đời không phải đã được lập trình sẵn nhưng nó giống như một bàn cờ mà thành hay bại, khổ hay vui... là do quyết định của người trong cuộc đi quân cờ nào, chọn nước cờ nào, với mục đích gì... (có nhiều quân cờ, nước cờ và mục đích để mỗi người tự do lựa chọn) tuỳ theo khả năng hay trình độ nhận thức và cách xử lý trong ván cờ của mình.

Nói là lập trình sẵn cũng đúng nhưng không nên nghĩ rằng ai đó đã an bài sẵn như định mệnh mà mình phải tuân theo. Lập trình sẵn ở đây chỉ có nghĩa là có sẵn những yếu tố tự nhiên, ví dụ như trong thiên nhiên đã có sẵn hydrogen, oxygen, carbonic v.v..., nhưng tuỳ hiểu biết tính chất của các nguyên tố ấy mà có thể tạo ra những phản ứng hoá học khác nhau để có những hiệu ứng nhất định tuỳ mục đích sử dụng của mỗi người.

Dễ hiểu hơn như chúng ta có sẵn rau, củ, quả, gia vị mặn, ngọt, chua, cay v.v... nhưng ai thông hiểu được tính vị của chúng thì có thể chế biến thành những món ăn ngon, không biết chế biến sẽ ra món ăn dở. Như vậy thức ăn ngon dở không phải do Tạo Hoá lập trình sẵn mà do nhận thức và cách chế biến của người nấu.

Lập trình mà không phải lập trình, đây là một cách lập trình rất kỳ lạ: chỉ lập trình trên nguyên lý thôi còn ứng dụng thì tự do chọn lựa của mỗi người. Ngược lại dù tự do chọn lựa nhưng cuối cùng vẫn phải học ra sự vận hành theo nguyên lý của pháp chứ không phải muốn gì theo ý mình cũng được. Rốt cuộc chọn lựa đường nào rồi cũng phải học cho ra nguyên lý của pháp mới thôi.

HỎI: Có đôi khi những giấc mơ như báo hiệu chính xác điều sắp xảy ra. Vậy có phải là mọi việc đã sắp đặt sẵn rồi sao?

Không phải sắp đặt sẵn mà giống như trái mít đang được 1 tháng người trồng mít rành nghề có thể biết bao lâu nữa trái mít ấy sẽ chín vì nó có tiến trình của nó, nhưng trong đó vẫn có sự uyển chuyển mà người càng rành rẽ càng đoán trúng chừng đó. Nếu như trời nắng nhiều thì trái mít sẽ chín sớm, trời lạnh quá thì mít sẽ chín trễ hơn, người ta có thể nhìn qua tất cả hiện tượng thiên nhiên mà biết được sự vận hành của vạn pháp. Cho nên người ta có thể dự đoán thời tiết...mà trong dịch lý gọi là "lý sương kiên băng chí" tức nhìn thấy sương mà biết sắp tới sẽ có băng giá. Những người đi làm rừng thấy măng mọc như thế nào đoán được năm đó có lũ lụt lớn hay không, hoặc thấy hoa lau nở ra sao mà đoán được thời tiết sắp xãy ra rất chính xác, như kiểu kiến đoán được trời mưa, cá đoán được động đất dưới biển vậy.

Trong “lập trình” của tạo hoá có những nguyên lý phổ quát quy mô lớn như thành - trụ - hoại - không; quy mô vừa như sinh - trụ - dị - diệt; quy mô nhỏ như sinh - lão - bệnh - tử. Nhân quả, nghiệp báo cũng có quy luật của nó nên những vị có thiên nhãn minh có thể biết được người nào làm hạnh nghiệp gì sẽ gánh chịu hậu quả ra sao, ở cõi giới nào. Nghiệp được mỗi người tự do chọn lựa nhưng chọn lựa nào thì cũng đều phải học bài học trong chọn lựa của mình.

Về phương diện tâm, phần tướng biết của tâm qua lục căn chỉ biết được đối tượng hiện khởi, nhưng tánh biết của tâm có thể biết được thời gian quá khứ, hiện tại, vị lai và không gian vô tận bên trong, bên ngoài, tám hướng, mười phương. Bản chất của tâm rộng lớn bất tận về cả không gian và thời gian nên việc linh cảm được chuyện sắp xãy ra ở tương lai hoặc chuyện đang diễn biến ở cõi giới khác là chuyện bình thường. Ví như nước và sóng, tánh biết như nước, tướng biết như sóng, sóng tuỳ duyên mà biểu hiện khác nhau nhưng tánh nước không thay đổi. Nước thì ở cùng khắp nhưng hiện tướng như hơi, sương, mù, mây, mưa, nước giếng, nước sông, ao, hồ, biển cả… đều khác nhau.

Cũng vậy, tướng của tâm chỉ giới hạn trong mỗi chúng sanh, nhưng tánh của tâm rộng lớn vô cùng nên người ta thường gọi là vũ trụ tâm. Người thoát khỏi bãn ngã, thâm nhập vào được biển tâm rộng lớn có thể thấy quá khứ, tương lai và không gian rộng lớn. Như Đức Phật có thể ngồi ở chùa Kỳ Viên mà thấy được các cõi trời ra sao, thấy luôn cả quá khứ, tương lai ra sao.

Đôi lúc chúng ta vô tình cảm ứng được tương lai, nhất là qua giấc chiêm bao, lúc đó ý thức của tướng biết không hoạt động, nhưng tánh biết của tâm thì vẫn âm thầm làm việc. vì vậy mà nó vẫn biết được quá khứ tương lai, thậm chí linh cảm được những chuyện xãy ra bên ngoài.

Tâm rất kỳ diệu mà chưa môn tâm lý học nào nói hết được, kể cả Vi Diệu Pháp hoặc Duy Thức. Có những trường phái thấy tâm như vậy sinh ra chủ nghĩa duy tâm và cho rằng tất cả do tâm tạo ra hết. Thật ra, sự sống không phải chỉ có tâm không thôi mà còn có đất nước lửa gió hư không nữa. Những nguyên tố đó kết hợp với nhau sinh ra muôn loài vạn vật. Hiện tướng của muôn loài vạn vật thì có sinh có diệt, nhưng tánh của chúng vẫn không sinh diệt.

Đạo Phật nhìn sự vật một cách toàn diện cả mặt tất định, mặt tự do và cả mặt ngẫu nhiên nữa. Trong khi một số tôn giáo, triết học chỉ nhìn thấy một chiều nên họ chủ trương hoặc là định mệnh, hoặc là tự do, hoặc là ngẫu nhiên một cách phiến diện.

HỎI: Những yếu tố này có liên quan gì trong Thiên thời, địa lợi, nhân hòa?

Đó chỉ là duyên bên ngoài giúp đạt đến thành công. Trong Phật giáo có Tứ Như Ý Túc: dục, cần, tâm và thẩm là những yếu tố bên trong làm nhân quyết định sự thành công. Trong khi thiên thời, địa lợi, nhân hòa có vẻ thụ động vì lệ thuộc vào điều kiện trời đất và lòng người thì Tứ Như Ý Túc mang tính chủ động của thái độ nội tâm.

Thí dụ như trong chiến tranh bên nào biết lợi dụng điều kiện thiên thời, địa lợi và lòng người thì có hy vọng chiến thắng, như vậy chiến thắng vẫn một mặt mang tính thiên định, một mặt do quyết định của con người nên mới có câu: “Thuận thiên lập mệnh”. Vì nhiều người không thấy được điều này nên khi thành công cứ tưởng là mình tài giỏi và sinh ngã mạn, tự cao.

2. Đạo có phải là con đường? 

Đạo không phải là con đường. Đạo trong Đạo đế là những yếu tố giác ngộ ra Sự Thật mà sự thật rốt ráo nhất chính là Niết Bàn. Nếu có con đường thì phải có điểm xuất phát và đích đến như vậy đã có ham muốn trở thành, tức rơi vào hữu, tướng, tác, cầu hay sinh, hữu, tác, thành, chứ không phải là Đạo: không, vô tướng, vô tác, vô cầu hay không sinh, không hữu, không tác, không thành.

Niết-bàn ở ngay đây và bây giờ nơi chính mình nên đức Phật dạy chỉ cần nhìn lại mà thấy chứ không phải trở thành hay đạt tới.

Hòa thượng Viên Minh chia sẻ trong buổi Trà Đạo Bửu Long sáng ngày 25.8.2016
Như Tuệ ghi chép

Xem thêm: Phật pháp ứng dụng - Lời Phật dạy về khổ đau và hạnh phúc

Thứ Hai, 29 tháng 8, 2016

Lời dạy của Đức Phật về khổ đau và hạnh phúc

Mở đầu, chúng tôi xin dẫn đại ý ba câu kinh Pháp cú sau đây, vừa như lời cầu chúc đầu năm chúng tôi gởi đến quý Phật tử, vừa hy vọng mọi người chúng ta sẽ nhận ra những lời dạy hết sức giản dị nhưng vô cùng thâm thúy của bậc Đạo sư nói về một nếp sống hạnh phúc an lạc thật sự giữa cuộc đời:
“ Vui thay chúng ta sống, không tham giữa cuộc đời đầy tham;
Vui thay chúng ta sống, không sân giữa cuộc đời đầy sân;
Vui thay chúng ta sống, không mê lầm giữa cuộc đời mê lầm.”


Ba câu Pháp cú trên đây là lời khuyên của đức Phật dành cho tất cả chúng ta, một lời khuyên, đúng hơn, một lời cổ vũ động viên mọi người từ bỏ tham sân si để được hạnh phúc an lạc. Lời khuyên này cũng xác chứng rất rõ quan điểm của đức Phật về hạnh phúc ở đời, nghĩa là một nếp sống xa lìa tham sân si.
Đức Phật đến với cuộc đời không gì khác ngòai việc chỉ bày cho con người một nếp sống hạnh phúc an lạc. Những lời dạy của Ngài thật giản dị nhưng lại hết sức thiết thực và sâu sắc đối với cuộc sống con người, bởi Ngài không dạy gì ngoài sự khổ và phương pháp diệt khổ. Chúng ta có thể nói rằng bao lâu con người còn lo lắng, còn ưu tư phiền muộn khổ đau bởi “đã mang lấy nghiệp vào thân”, như Nguyễn Du đã nói, thì lời dạy của đức Phật sẽ là phương thuốc hiệu nghiệm giúp con người thoát khỏi nghiệp chướng khổ đau ấy.
Cuộc sống, như chúng ta thấy ngày nay, đang biểu lộ tất cả những gì gọi là đẹp đẽ nhất, văn minh nhất của lịch sử loài người. Nhưng chính trong cuộc sống được xem là đẹp đẽ và văn minh ấy chúng ta cũng chứng kiến không ít các thảm cảnh đau lòng và những biểu hiện đáng lo ngại. Tình trạng suy giảm đạo đức và bạo động gia tăng đáng kể trong các xã hội hiện đại, chiến tranh khủng bố diễn tiến không dứt giữa các quốc gia và các khối chủ nghĩa, thiên tai lũ lụt động đất xảy ra hầu như khắp nơi trên thế giới. Có quá nhiều sự kiện bất ổn xảy ra trên thế giới khiến con người cảm thấy hình như bất lực trước số phận đau thương của chính mình. Ngày nay con người được bảo hộ và trang bị mọi thứ, kiến thức cũng như nhiều phương tiện kỹ thuật hiện đại, nhưng cảm giác bất an vẫn canh cánh trong lòng. Đời sống vật chất của con người ngày càng sung mãn nhưng tâm lý thì đầy lo âu sầu muộn. Thật là một nghịch lý.
Đứng trước hiện trạng vừa mừng vừa lo ấy, đạo Phật có chia sẻ được gì cho con người và cuộc đời? Nói khác đi, những lời dạy của đức Phật có giúp cho con người thoát khỏi thực trạng đầy lo lắng khổ đau đang diễn ra mọi lúc mọi nơi trên cuộc đời mà con người là tác nhân và chịu trách nhiệm lớn về mọi thứ? Tìm ra câu trả lời cho vấn đề này tức là hiểu được đạo Phật, hiểu được mục đích của đạo Phật, hiểu được giá trị thiết thực của đạo Phật đối với cuộc sống. Bởi đức Phật ra đời vì hạnh phúc an lạc cho chúng sinh và Ngài thuyết pháp là nhằm giải thoát khổ đau cho cuộc đời.
Chúng ta sẽ lần lượt tìm xem câu trả lời của đức Phật cho vấn đề này.
Trước hết, đức Phật xác nhận rất rõ về con người và vai trò của con người ở trên đời. Ngài dạy: “Người là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự của nghiệp”.
Nghiệp ở đây là hành động có chủ ý. Con người là chủ nhân của nghiệp, nghĩa là con người làm chủ các hành vi của mình; là kẻ thừa tự của nghiệp, tức con người phải chịu trách nhiệm về mọi hành vi của mình. Như vậy, đức Phật quan niệm con người là sinh vật hành động và Ngài đánh giá cao hành động của con người, xem hành động là yếu tố quyết định vận mệnh của con người. Nói khác đi, con người phải chịu trách nhiệm về số phận của chính mình; số phận ấy tốt hay xấu đều tùy thuộc vào nghiệp hay hành động của con người.
Bước tiếp theo, đức Phật xác định rõ về ba loại nghiệp hay hành động gồm thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp, trong đó ý nghiệp đóng vai trò quan trọng, và về hai phương diện thiện ác của nghiệp nhằm chỉ rõ thiện nghiệp đưa đến hạnh phúc an lạc, trong khi ác nghiệp mang bất hạnh khổ đau đến cho con người. Ngài dạy:
“Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo tác. Nếu người ta nói năng hay hành động với tâm ý ô nhiễm thì đau khổ sẽ kéo theo sau, giống như chiếc xe lăn theo vết chân con bò kéo. Nếu với ý trong sạch mà nói năng hay hành động thì an lạc sẽ bước theo sau, giống như bóng không rời hình.”1
Ý ô nhiễm ở đây tức là một tâm tư đổ đầy tham sân si, và lời nói hay hành động xuất phát từ một tâm đầy tham sân si như vậy tức sẽ dẫn đến bất hạnh đau khổ. Ý trong sạch tức một tâm tư không có tham sân si, và lời nói hay việc làm bắt nguồn từ một tâm không tham sân si thì sẽ đưa đến hạnh phúc an lạc.
Đến đây ta có thể nêu thắc mắc: Vậy tham sân si là gì mà một ý nghĩ, lời nói hay hành động đổ đầy tham sân si lại dẫn đến khổ đau, trong khi một ý nghĩ, lời nói hay hành động không có tham sân si thì đưa đến an lạc?
Tham là một hiện tượng tâm lý xuất hiện khi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý gặp phải các đối tượng thích hợp hấp dẫn mà biểu hiện là sự khao khát, thích chiếm hữu hay muốn ôm ấp nắm giữ. Sân cũng là một hiện tượng tâm lý phát sinh khi con người không đạt được điều mình mong muốn hay gặp phải các đối tượng không thích hợp, không bằng lòng mà biểu hiện là sự giận dữ, bất mãn hay phản ứng gay gắt. Si cũng là một hiện tượng thuộc tâm lý hiện diện bởi sự mê mờ, thiếu giác tỉnh, tâm dao động, thiếu cân nhắc mà biểu hiện là sự u mê, không sáng suốt, cố chấp, không cởi mở. Như vậy, từ những định nghĩa khái quát về tham sân si vừa nêu, chúng ta có thể hiểu lý do vì sao khi ba độc tố này dính vào con người hay người nào thì những việc làm hay hành động của người ấy sẽ dẫn đến khổ đau. Tiếp theo chúng ta sẽ tìm hiểu thêm các biểu hiện bất thiện của tham sân si và những biểu hiện hiền thiện của vô tham, vô sân, vô si để hiểu rõ hơn vì sao tham sân si dẫn đến khổ đau, trong khi vô tham, vô sân, vô si đưa đến an lạc.
“Người có tham, thưa Hiền giả, bị tham chinh phục, tâm mất tự chủ, nghĩ đến hại mình, nghĩ đến hại người, nghĩ đến hại cả hai, cảm giác khổ ưu thuộc về tâm. Khi tham được đoạn tận, không nghĩ đến hại mình, không nghĩ đến hại người, không nghĩ đến hại cả hai, không cảm giác khổ ưu thuộc về tâm.
Người có tham, thưa Hiền giả, bị tham chinh phục, tâm bị mất tự chủ, thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác. Khi tham được đoạn tận, thân không làm ác, miệng không nói ác, ý không nghĩ ác.
Người có tham, thưa Hiền giả, bị tham chinh phục, tâm mất tự chủ, không như thật rõ biết lợi mình, không như thật rõ biết lợi người, không như thật rõ biết lợi cả hai. Khi tham được đoạn tận, như thật rõ biết lợi mình, như thật rõ biết lợi người, như thật rõ biết lợi cả hai.
Tham, thưa Hiền giả, làm thành mù, làm thành không mắt, làm thành không trí, đoạn diệt trí tuệ, dự phần vào tổn não, không đưa đến Niết-bàn.
“Người có sân, thưa Hiền giả, bị sân chinh phục, tâm mất tự chủ, nghĩ đến hại mình, nghĩ đến hại người, nghĩ đến hại cả hai, cảm giác khổ ưu thuộc về tâm. Khi sân được đoạn tận, không nghĩ đến hại mình, không nghĩ đến hại người, không nghĩ đến hại cả hai, không cảm giác khổ ưu thuộc về tâm.
Người có sân, thưa Hiền giả, bị sân chinh phục, tâm bị mất tự chủ, thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác. Khi sân được đoạn tận, thân không làm ác, miệng không nói ác, ý không nghĩ ác.
Người có sân, thưa Hiền giả, bị sân chinh phục, tâm mất tự chủ, không như thật rõ biết lợi mình, không như thật rõ biết lợi người, không như thật rõ biết lợi cả hai. Khi sân được đoạn tận, như thật rõ biết lợi mình, như thật rõ biết lợi người, như thật rõ biết lợi cả hai.
Sân, thưa Hiền giả, làm thành mù, làm thành không mắt, làm thành không trí, đoạn diệt trí tuệ, dự phần vào tổn não, không đưa đến Niết-bàn.
“Người có si, thưa Hiền giả, bị si chinh phục, tâm mất tự chủ, nghĩ đến hại mình, nghĩ đến hại người, nghĩ đến hại cả hai, cảm giác khổ ưu thuộc về tâm. Khi si được đoạn tận, không nghĩ đến hại mình, không nghĩ đến hại người, không nghĩ đến hại cả hại, không cảm giác khổ ưu thuộc về tâm.
Người có si, thưa Hiền giả, bị si chinh phục, tâm bị mất tự chủ, thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác. Khi si được đoạn tận, thân không làm ác, miệng không nói ác, ý không nghĩ ác.
Người có si, thưa Hiền giả, bị si chinh phục, tâm mất tự chủ, không như thật rõ biết lợi mình, không như thật rõ biết lợi người, không như thật rõ biết lợi cả hai. Khi si được đoạn tận, như thật rõ biết lợi mình, như thật rõ biết lợi người, như thật rõ biết lợi cả hai.
Si, thưa Hiền giả, làm thành mù, làm thành không mắt, làm thành không trí, đoạn diệt trí tuệ, dự phần vào tổn não, không đưa đến Niết-bàn.
Thấy sự nguy hại này của tham, thưa Hiền giả, chúng tôi tuyên thuyết đoạn tận tham. Thấy sự nguy hại này của sân, thưa Hiền giả, chúng tôi tuyên thuyết đoạn tận sân. Thấy sự nguy hại này của si, thưa Hiền giả, chúng tôi tuyên thuyết đoạn tận si.”2
Như vậy câu trả lời của đức Phật cho vấn đề khổ đau và hạnh phúc đã rõ ràng. Do tham sân si chi phối mà con người nghĩ đến hại mình, hại người, hại cả hai; thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác; không như thật rõ biết lợi mình, lợi người, lợi cả hai. Tham sân si khiến con người trở thành mù lòa, có mắt mà như mù, tâm tư rối loạn, không còn sáng suốt, dự phần vào phiền não khổ đau, không hướng đến an lạc Niết-bàn. Nói cách khác, tham sân si là căn bản của bất thiện, là gốc rễ của khổ đau; do tham sân si mà con người làm đủ mọi thứ xấu xa, gây khổ đau cho chính mình và tạo khổ đau cho cuộc đời.
Tham sân si là gốc của khổ đau, thế nên khi tham sân si không còn, được diệt trừ, thì khổ đau sẽ chấm dứt. Nói khác đi, hạnh phúc xuất hiện bao lâu tham sân si vắng mặt.
Nhưng làm thế nào dứt trừ tham sân si? Câu hỏi thật căn bản nhưng hết sức tế nhị, bởi tham sân si là gốc rễ của khổ đau nhưng việc đoạn trừ chúng thì không dễ. Gia chủ Mahànàma từng nêu thắc mắc này với đức Phật.
“Bạch Thế Tôn, đã lâu rồi, con đã hiểu như thế này lời dạy của Thế Tôn: Tham là cấu uế của tâm, sân là cấu uế của tâm, si là cấu uế của tâm. Tuy vậy, đôi lúc các tham pháp chiếm cứ tâm con và an trú, các sân pháp chiếm cứ tâm con và an trú, các si pháp chiếm cứ tâm con và an trú. Bạch Thế Tôn, con tự suy nghĩ: “Pháp nào tự trong ta không đoạn trừ được, do vậy các tham pháp xâm nhập tâm ta và an trú, các sân pháp xâm nhập tâm ta và an trú, các si pháp xâm nhập tâm ta và an trú?”
Sau đây là câu trả lời của đức Phật cho gia chủ Mahànàma:
“Này Mahànàma, có một pháp trong Ông chưa được đoạn trừ, do vậy các tham pháp xâm nhập tâm Ông và an trú, các sân pháp xâm nhập tâm Ông và an trú, các si pháp xâm nhập tâm Ông và an trú. Và này Mahànàma, pháp ấy trong Ông có thể đoạn trừ được, nếu Ông không sống trong gia đình, nếu Ông không thụ hưởng các dục vọng.”
Lời dạy của đức Phật cho gia chủ Mahànàma ngụ ý rằng sở dĩ tham sân si khó đoạn trừ là do con người quá thiên nặng thụ hưởng các dục, không thấy được vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của các dục. Nói khác đi, càng ham muốn thỏa mãn các dục lạc, nghĩa là sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngon, cảm xúc êm dịu và các danh vọng khác, thì tham sân si càng tăng trưởng, rất khó trừ diệt. Vì vậy, để diệt trừ tham sân si, gốc rễ của khổ đau, thì con người cần phải hạn chế lòng tham, cần phải tìm ra cách thức loại trừ tham dục.
Theo đức Phật, có hai cách để chế ngự và loại bỏ tham dục, cũng đồng nghĩa với việc loại bỏ tham sân si, hướng đến chấm dứt khổ đau. Cách thứ nhất là nhận thức vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của tham dục. Thứ hai là thực hành thiền định. Nói cách khác, muốn chế ngự và loại bỏ tham dục, con người cần phải tu thiền định và phát triển trí tuệ. Bởi thiền định Phật giáo bao hàm cả chỉ (samatha) và quán (vipassanà), nghĩa là có cả định (samàdhi) và tuệ (panõnõà), do đó khi nói đến hành thiền thì cũng có nghĩa là vừa tu thiền định vừa phát triển trí tuệ.
Thiền là phương pháp điều tâm, giúp tâm được an trú, không tán loạn, được tịnh chỉ, nhất tâm, hướng đến phát triển trí tuệ, thấy rõ pháp sanh diệt, dứt trừ phiền não tham sân si. Theo Buddhaghosa, thiền có nghĩa là lựa chọn một đối tượng rồi thiền tư trên đối tượng ấy, khiến cho có khả năng đốt cháy, thiêu hủy các pháp đối nghịch (tức các triền cái và các kiết sử phiền não). Như vậy thiền có chức năng cột chặt tâm vào một chỗ, khiến cho tâm tịnh chỉ, không chạy nhảy tán loạn. Cũng theo định nghĩa trên thì thiền có khả năng đốt cháy, thiêu hủy các ác pháp (tham, sân, hôn trầm thụy miên, trạo hối, nghi, thân kiến, nghi, giới cấm thủ, tham, sân, sắc ái, vô sắc ái, mạn, trạo cử, vô minh) mà nói gọn là tham sân si. Như vậy, thiền vừa có chức năng làm tịnh chỉ tâm trí,, vừa có công năng làm sạch tâm trí, nghĩa là dọn sạch tham sân si ở trong tâm thức. Đây là pháp môn tu tập vừa nâng cao tâm hồn con người, khiến cuộc sống được trong sáng thanh cao, vừa giải thoát con người khỏi mọi đam mê dục vọng cùng với mọi ám ảnh và hành vi bất thiện bởi tham sân si.
Chúng ta đã đề cập tham sân si là gốc rễ của khổ đau, do tham sân si ám ảnh mà con người rơi vào những ý nghĩ lời nói hay việc làm sai quấy, gây khổ đau cho tự thân và cuộc đời. Chúng ta cũng đã nói đến tham dục là pháp chướng ngại, khiến tham sân si không ngừng sinh khởi và tăng trưởng, rất khó diệt trừ. Sau cùng chúng ta đã xem xét phương pháp giúp hạn chế và loại trừ tham dục, khiến tham sân si không có cơ hội sinh khởi, được diệt trừ, hướng đến chấm dứt khổ đau. Tất cả điều này được nêu đầy đủ và chi tiết trong giáo pháp của đức Phật và đang chờ chúng ta thực hành. Bởi có thực hành lời Phật dạy, chúng ta mới chế ngự được tham dục, dứt trừ được tham sân si, chấm dứt khổ đau. Có thực hành pháp môn của Ngài, chúng ta mới đạt được hạnh phúc an lạc, mới thấy hết giá trị lời đức Phật dạy.
Cuộc sống hiện đại có nhiều tiến bộ đáng mừng nhưng cũng báo hiệu những triệu chứng đầy lo ngại. Sự giàu có vật chất đi đôi với tình trạng sụt giảm đạo đức và bạo động gia tăng. Sự tiến bộ kỹ thuật hiện đại gắn liền với tình trạng chiến tranh và khủng bố lan rộng. Sự hưởng thụ xa xỉ của con người đi đôi với tình trạng thế giới thiên nhiên thay đổi nhanh chóng dẫn đến các hiểm họa hạn hán thiên tai động đất xảy ra liên tục ở nhiều nơi. Tất cả là hậu quả của sự tăng trưởng các độc tố tham sân si ở trong con người và mỗi người mà nền văn minh hiện đại chưa có giải pháp khắc phục. Đã có nhiều cảnh báo về nguy cơ lòng tham không đáy của con người đang dẫn thế giới loài người đến các hiểm họa khó lường. Tuy nhiên, người ta vẫn chưa tìm thấy giải pháp nào khả dĩ để chế ngự và khắc phục. Giữa lúc con người đang vui mừng về thành quả văn minh vượt trội của mình nhưng cũng đang bối rối lo lắng về hậu quả không sáng sủa của nền văn minh ấy và cố tìm cách khắc phục thì những lời dạy của đức Phật hiện rõ như kim chỉ nam cho con người và cuộc đời để vượt qua mọi khổ đau khủng hoảng.
Ý thức rõ tham sân si là gốc rễ của mọi khủng hoảng khổ đau, người Phật tử chúng ta sống nếp sống thoát ly tham sân si tức vừa xây dựng hạnh phúc an lạc cho chính mình, vừa góp phần tạo hạnh phúc an lạc cho cuộc đời. Chúng ta không cho rằng chỉ có con đường chúng ta theo là tuyệt đối đúng đắn. Nhưng chúng ta có quyền tin tưởng và vui mừng về nếp sống ly tham, ly sân, ly si của chính mình. Bởi đó chính là con đường mà bậc Đạo sư đã chỉ cho chúng ta và bởi thông qua nếp sống ấy chúng ta hưởng được hạnh phúc an lạc. Chúng ta không tự mãn về nếp sống ấy nhưng có thể tin tưởng mà nói rằng: “Bớt tham một chút bớt khổ cho đời; bớt sân một chút bớt khổ cho đời; bớt mê một chút bớt khổ cho đời.”
Người con Phật chúng ta hãy hoan hỷ với nếp sống nỗ lực ly tham, ly sân, ly si của chính mình và cùng nhắc nhở nhau nỗ lực nhiều hơn nữa để sống trọn với lời khuyên đầy từ tâm của bậc Đạo sư:
“Vui thay chúng ta sống, không tham giữa cuộc đời đầy tham;
Vui thay chúng ta sống, không sân giữa cuộc đời đầy sân;
Vui thay chúng ta sống, không chấp giữa cuộc đời đầy tranh chấp.”
HT. Thích Minh Châu
 Xem thêm: phật pháp ứng dụng - Phải chăng cuộc đời đã được lập trình sẵn?

Học cách hiểu thất bại

Học cách hiểu thất bại thế nào là một kỹ năng ít được nói đến, nhưng lại rất cần trong cuộc sống.  Samuel Beckett có lần nói rằng:  "Cố gắng một lần nữa.  Thất bại một lần nữa. Thất bại khá hơn nữa."  (Try again. Fail again. Fail better).  Câu nói này sẽ giúp các bạn nhiều hơn bất cứ thứ gì khác trong 1 năm sau, 10 năm sau, 20 năm sau, hay đến khi nào bạn vẫn còn sống. 
Người ta nhấn mạnh nhiều đến sự thành công.  Chúng ta, ai cũng muốn thành công, đặc biệt nếu mình xem thành công là cái gì đó xảy ra theo đúng ý muốn của mình.  Thông thường, chúng ta ít chuẩn bị cho thất bại.  Vậy,  học cách thất bại làm sao?

Chúng ta thường nghĩ rằng thất bại là cái xảy đến cho mình từ bên ngoài:  Chúng ta không có một mối quan hệ tốt, hay đã có một mối quan hệ mà kết cuộc thật đau thương; chúng ta không thể kiếm được việc làm hay bị đuổi việc; hay trong bất cứ hoàn cảnh nào mà sự việc xảy ra không đúng như ý muốn.
Thông thường có 2 cách để chúng ta đối phó.  Một là, chúng ta đổ lỗi cho người khác, như là chủ của mình, người cộng sự với mình, hay bất cứ ai khác.  Hai là, chúng ta cảm thấy mình quá tệ và tự cho mình là kẻ thất bại.
Chính vì điều nầy nên chúng ta cần nhiều sự giúp đỡ: cảm thấy rằng trong con người mình vốn có một cái gì đó không được ổn, rằng mối quan hệ, công việc làm, hay bất cứ thứ gì mình làm đều không thành tựu, như là đã bỏ lỡ cơ hội, làm sai một cái gì đó, và đủ thứ điều đau lòng khác, là do mình vốn có biệt danh là kẻ thất bại.  Một cách để tự giúp mình là bắt đầu tự hỏi lòng khi gặp thất bại - chuyện gì đang thực sự xảy ra cho mình?
Có người đưa cho tôi một trích đoạn của kịch bản Ulyses, do James Joyce sáng tác, và trong đó ông ta viết rằng thất bại có thể đưa đến sự khám phá. Ông ta, thực ra, không dùng chữ thất bại (failure); mà là chữ lầm lỗi (errors). Và ông ta nói rằng: “Lầm lỗi có thể là những cánh cổng đưa đến sự khám phá.”  Thật khó mà phân biệt một bên là thất bại, còn một bên là một sự kiện nào đó đã xảy ra và nó đã thay đổi hướng đi của cuộc đời bạn.  Nói cách khác, thất bại có thể là cánh cổng đưa đến sự sáng tạo, đưa đến việc học hỏi một điều gì mới lạ, hay đưa đến có một cách nhìn mới mẻ.
Tôi sẽ dùng đời sống của chính bản thân để làm ví dụ. Thời gian tệ hại nhất trong cuộc đời tôi là khi tôi cảm thấy mình là một kẻ thất bại tồi tệ nhất, và điều này liên quan đến việc hôn nhân lần thứ hai của tôi bị thất bại.  Tôi đã chưa bao giờ trải qua một kinh nghiệm hụt hẩng, xúc phạm, và đau thương như vậy.  Và tôi thật sự cảm thấy mình dở tệ!
Tôi đã phải mất 3 năm để thay đổi từ việc muốn trở về một đời sống ổn định trước khi đổ vỡ, đến việc tự nguyện làm lại cuộc đời mới.  Nhưng khi tôi làm được điều này, thì kết quả là tôi cảm nhận sâu sắc mình đang thực sự sống an vui.  Rốt cuộc nhờ vậy mà tôi trở thành một tác giả có sách bán chạy nhất!
Đôi khi bạn bị tan nát cõi lòng và tuyệt vọng vì những kỳ vọng bị thất bại, và có lúc bạn thấy mình muốn phát điên vì giận.  Nhưng trong lúc ấy, thay vì làm theo thói quen, coi mình là kẻ thất bại, hay là người tồi tệ, hay nghĩ rằng có cái gì đó sai lạc trong bản thân, con người mình, bạn có thể tò mò tìm hiểu xem cái gì đang xảy ra. Nên nhớ rằng bạn chưa bao giờ biết, rồi thì mọi chuyện sẽ đi về đâu.  Tò mò về chuyện xảy ra bên ngoài, cách chúng ảnh hưởng đến bạn, để ý xem mình nói năng ra làm sao, và trong thâm tâm mình quyết định thế nào là chìa khóa giải mã.
Nếu bạn có quá nhiều những lời này trong lòng “mình tệ quá, mình thật là khủng khiếp,” thì bạn nên để ý và cố làm chúng dịu xuống.  Thay vì vậy, nên tự nói với mình rằng, “Mình đang cảm thấy ra sao đây? Có lẻ những chuyện xảy ra không phải do mình là kẻ hay thất bại, hay có lẻ mình đang quá đau khổ.”
Đây là điều con người đã từng trải nghiệm qua từ thời sơ khai.  Nếu bạn muốn mình là một con người hoàn toàn, nếu bạn muốn sống thật và ôm trọn cuộc sống trong tâm mình, thì thất bại là một cơ hội để bạn tìm hiểu và lắng nghe thêm về con người mình.  Đừng để dính vào chuyện đổ lỗi cho người khác, và cũng đừng dây dưa vào chuyện đổ lỗi lên chính mình.
Chuyện như thế này:  Tôi từng nằm trong tình cảnh cảm thấy mình là kẻ thất bại đã nhiều lần, và tôi đã ứng xử giống như bao nhiêu người khác khi tôi bị thất bại.  Tôi đóng kín mình lại, chẳng thèm bận tâm tìm hiểu coi chuyện gì đã xảy ra cho mình và bất cứ thứ gì khác.  Trong tình cảnh đó có thể mang đến nhiều phản ứng tệ hại – tệ hại vì chúng ta không dám cảm nhận sự thất bại đó, vì chúng ta muốn trốn tránh, vì chúng ta muốn mình tê cứng, không còn cảm giác.  Từ tình cảnh đó có thể mang đến sự tranh cãi, phản ứng mạnh và bạo động.  Từ tình huống đó có thể mang đến rất nhiều điều tệ hại.  
Tôi mang trong người nhiều  những thói quen phản xạ để giúp mình thoát khỏi tình cảnh đó.  Rồi năm tháng trôi qua (và thiền định đóng một vai trò lớn trong chuyện này), Tôi bắt đầu tò mò và quen dần với cái tình trạng thất bại – một cảm giác đau buốt tận tâm cang vì mình đã làm hỏng, làm thất bại, hay làm nhầm một cái gì đó, hay làm người khác đau khổ.
Và vì vậy, tôi có thể nói với bạn rằng chính từ hoàn cảnh đó mà những đức tính tốt nhất của mình, như là sự can đảm, lòng từ bi, và khả năng giúp người và chăm lo cho họ, được thể hiện.  Chính nơi này những cuộc đối thoại thật tình với người khác xảy ra vì mình không còn khách sáo, mình có thể đã vượt qua những chuyện đổ thừa, và cảm nhận niềm tổn thương, đau khổ một cách chân thật.  Chính từ chỗ này mà con người thật của mình xuất hiện.  Và cũng chính từ chỗ đó, khi mình không còn che đậy hay cố tình muốn tình cảnh đó biến mất, đức tính tốt nhất của chúng ta mới được dịp thăng hoa.
  • Về tác giả:  Pema Chodron là một ni sư, tác giả, và giáo thọ trong giòng phái Phật giáo Shambhala.  Ni sư hiện cư trú và giảng dạy tại tu viện Gambo Abbey, một tu viện trên hòn đảo Cape Breton thuộc tiểu bang Nova Scotia, nước Canada.

Ngẫm lời phật dạy về của để dành trong cuộc sống

Khát vọng lớn nhất của con người là được sống hạnh phúc và bình an. Cho nên, trong đời sống bình nhật, ai cũng muốn tạo dựng cho mình một sự nghiệp hay ít ra một công ăn việc làm ổn định hữu ích cho chính mình, cho mọi người. Từ đó, tự thân mong sao có một chút của cải để dành, để thiết lập một trật tự đời sống an bình nội tại.
lời phật dạy

Phật giáo không phủ nhận niềm khát vọng đời thường đó trong cuộc sống hằng biến đổi. Tuy nhiên, của để dành ấy, Phật giáo quan niệm rằng tài sản ấy chỉ là phương tiện dự phần vào đời sống an lạc chứ không phải là mục đích tối hậu, là chân giá trị hạnh phúc ở đời. Chính Đức Phật từng khuyến cáo pháp hữu vi vốn bị chi phối bởi luật vô thường, sự thật chúng vốn vô ngã: "Cái này không phải là của ta, là ta, là tự ngã của ta". Xem ra, tất cả tài sản mà tự thân tích lũy được dù giàu có đến mức độ nào cũng không đưa đến một đời sống hạnh phúc chân thật được. Vậy tài sản nào mà chuỏng ta cần tích lũy cần giữ gìn như là "của để dành" để sống, để hát ca với đời?
Câu chuyện về Ugga, vị đại thần của Passenadi, nước Kosala (*) là một câu trả lời. Chính vị đại thần này đã tán thán về sự giàu có vô tận của đại phú gia Migàra Rohaneyyo với niềm phúc lạc vô biên trước mặt Thế Tôn, vị thầy cao quý của mình: "Thật vi diệu thay, thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn, giàu có đến như vậy, đại phúc đến như vậy, tài sản nhiều đến như vậy, bạch Thế Tôn, là Migàra Rohaneyyo".
Thế Tôn ôn tồn hỏi:
- Này Ugga, Migàra Rohaneyyo giàu có đến mức độ nào, đại phú đến mức độ nào, tài sản nhiều đến mức độ nào?
- Bạch Thế Tôn, về vàng có đến trăm ngàn, còn nói chi về bạc!
- Này Ugga, đây có thể là tài sản chăng? Không phải ta nói rằng đây là tài sản. Nhưng tài sản ấy bị chi phối (sàdharanam) bởi nước, lửa, vua chúa, ăn trộm, các kẻ thừa tự thù địch. Bảy tài sản này, Ugga không bị bởi nước, lửa, vua chúa, ăn trộm, các kẻ thừa tự thù địch chi phối. Thế nào là bảy? Tín tài, giới tài, tàm tài, quý tài, văn tài, thí tài, tuệ tài. Bảy loại tài sản này, này các Tỷ kheo, không bị lửa, vua chúa, ăn trộm, các kẻ thừa tự thù địch chi phối.
Rồi Thế Tôn tán thán công hạnh thành tựu bảy tài sản cao quý mệnh danh "Thất Thánh tài":
"Tín tài và giới tài
Tàm tài và quý tài
Văn tài và thí tài
Tuệ tài là thứ bảy
Ai có tài sản này
Nữ nhân hay nam nhân
Người ấy là đại phú
Thiên nhân giới khó thắng
Do vậy tín và giới
Tịnh tín và thấy pháp
Bậc trí chuyên chú tâm
Ức niệm lời Phật dạy".

Rõ ràng, Đức Phật đã xác lập để trở thành người đại phú, thiên nhân giới khó thắng, là người biết thực thi và thạnh tựu Thất Thánh tài, người đó cũng khéo biết nắm giữ bảy pháp tài sản quý giá do thực hành pháp đem lại. Đó chính là "của để dành", là chân giá trị không có bất cứ công ước gì chi phối cả. Nó quyết định cho đời sống hạnh phúc thật sự. Hay nói khác đi, đó là con đường tự thân tu tập, tự thân hành trì, tự thân chứng ngộ khởi đầu bằng sự thành tựu về lòng tịnh tín đối với Như Lai và kết thúc cuộc hành trình là thể nhập các pháp, đoạn tận khổ đau. Cụ thể hóa về Thất Thánh tài ấy như sau:
1. Tín tài: "Ở đây, này các Tỷ kheo, Thánh đệ tử có lòng tin, tin tưởng bậc giác ngộ của Như Lai: "Đây là Thế Tôn, bậc A la hán... Phật Thế Tôn. Này các Tỷ kheo, đây gọi là Tín tài".
Tài sản đầu tiên mà người thực tập đời sống hạnh phúc an lạc cần phải đạt được, đó là lòng tịnh tín đối với Như Lai, Như Lai là bậc Chánh đẳng giác, giác ngộ hoàn toàn. Ngài là người hiện thân ở giữa cõi đời này nhờ công phu tu tập tự thân sau 6 năm khổ hạnh và tư duy thiền định với nỗ lực phi thường trong rừng già. Ngài đã trở thành vị chứng ngộ với tuệ giác vô thượng. Cũng vậy, bất cứ chúng sinh nào tự mình suy tư với pháp, thực hành theo pháp Như Lai từng chứng ngộ thì nhất định giải thoát khổ đau, chứng đạt Niết bàn. Đây là niềm tin tối thượng làm tiền đề để thể nhập thành tựu Giới tài.
2. Giới tài: "Ở đây, này các Tỷ kheo, Thánh đệ tử từ bỏ sát sinh... từ bỏ đắm say men rượu nấu. Này các Tỷ kheo, đây gọi là Giới tài".
Đây chính là tài sản cao quý thứ hai mà người đệ tử Phật đạt được để an trú trong giới. Mỗi bước đi của giới lạ mỗi bước đi ra khỏi vùng tâm lý tham sân si thường xuyên vây bủa tâm thức con người. Giới có công năng thiêu hủy tác nhân phiền não để thắp sáng tuệ giác vô thượng. Hay nói khác, đời sống đạo đức của tự thân sẽ được biểu lộ ra bằng các hành vi đạo đức của thân, lời nói ái ngữ dịu dàng bằng thái độ tôn trọng sự thật phát xuất từ mong ước của miệng, cuối cùng là luôn có ý nghĩ tốt đẹp hướng thiện được xuất phát từ một tâm thức gạn lọc. Nói chung, giới đi vào nếp sống an bình nội tại, thể hiện trên cuộc sống bình nhật với kết quả hữu hiệu lợi mình lợi người lợi cả hai.
3. Tàm tài: "Ở đây, này các Tỷ kheo, Thánh đệ tử có xấu hổ, xấu hổ đối với thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, xấu hổ vì đã thành tựu các pháp ác bất thiện. Này các Tỷ kheo, đây gọi là Tàm tài".
Sự thành tựu về giới là sự thành tựu về công đức về thân tâm. Tại đây, tâm được tẩy rửa các uế trược, ý thức, tự điều chỉnh thân tâm thường xuyên có mặt sẽ dự phần làm nên sự thanh tịnh hoàn toàn. Biết xấu hổ, hổ thẹn những kết quả thành tựu về pháp bất thiện đã đi qua là điều tất yếu. Đây là một thái độ sống tự đánh giá lại chính mình, biết nhìn lại chính mình để đoạn tận và viễn ly hẳn các tác nhân gây rối loạn tâm thức có chiều hướng xảy ra. Tài sản quý giá này thành tựu sẽ là cơ sở thực thi gia tài tiếp theo là Quý tài.
4. Quý tài: "Ở đây, này các Tỷ kheo, Thánh đệ tử có sợ hãi, sợ hãi đối với thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, sợ hãi vì thành tựu các pháp ác bất thiện. Này các Tỷ kheo, đây gọi là Quý tài".
Hổ thẹn để đi đến sợ hãi về các pháp bất thiện do thân khẩu ý gây ra là quy luật tất nhiên trong cuộc hành trình thực thi thành tựu giới uẩn. Tại đây, sự thăng tiến thành tựu các pháp thiện chưa sanh làm cho sanh, các pháp thiện đã sanh làm cho thăng hoa hơn nữa. Nhờ đó, người thực tập đời sống an lạc có một tâm lý nhàm chán, yểm ly, sợ hãi các pháp bất thiện được điều động từ thân khẩu ý. Kết quả là hạt giống an lành được đâm chồi nẩy lộc ngay trong đời sống hiện tại.
5. Văn tài: "Ở đây, này các Tỷ kheo, Thánh đệ tử nghe nhiều, gìn giữ những gì đã nghe, chất chứa những gì đã nghe, những pháp ấy Sơ thiện, Trung thiện, Hậu thiện nghĩa văn đầy đủ, đề cao đời sống phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh, những pháp ấy đã nghe nhiều, đã nắm giữ, đã ghi nhớ tụng đọc nhiều lần, chuyên ý quan sát, khéo thành tựu nhờ chánh kiến. Này các Tỷ kheo, đây gọi là Văn tài".

Nghe pháp, suy tư về pháp để rồi hành pháp, an trú trong pháp là tài sản cao quý do sự tích lũy từ Văn tài. Tại đây, tuệ giác được khai mở nhờ chánh kiến thành tựu luôn luôn soi rọi tâm thức. Từ đó, giai trình Văn - Tư - Tu thường xuyên vận hành để lạm hóa hiện tất cả những công đức có được trong đời sống. Dĩ nhiên, một tâm thức thanh tịnh sâu lắng, một tuệ giác hằng chiếu tạo nên một đời sống ẩn chứa đầy chất liệu an bình nội tại.
6. Thí tài: "Ở đây, này các Tỷ kheo, Thánh đệ tử với tâm từ bỏ cấu uế của xan tham, sống tại gia phóng xả (muttacàgo), với bàn tay rộng mở (payatapãnị) ưa thích xả bỏ, sẵn sàng để được yêu cầu, ưa thích san sẻ vật bố thí. Này các Tỷ kheo, đây gọi là Thí tài".
Thành tựu pháp này là thành tựu công đức vô giá mà người đệ tử cần thực thi. Thông thường, con người thường ưa nắm giữ tất cả những gì mình có hoặc chưa có. Đây là tâm lý thường tình do hạt giống xan tham thường hay nẩy mầm sản sinh trong tâm thức mình. Ngược lại, người bước vào đời sống an trú trong chánh pháp, tâm lý thường ưa xả ly, mở rộng vòng tay nối kết để sẻ chia sự ngọt ngào êm dịu cho mọi người mà chính mình đạt được.
7. Tuệ tài: "Ở đây, này các Tỷ kheo, Thánh đệ tử có trí tuệ, có trí tuệ về sanh diệt, thành tựu Thánh đạo, thể nhập đưa đến chơn chánh đoạn diệt khổ đau. Này các Tỷ kheo, đây gọi là Tuệ tài".

Tuệ giác hiện khởi sẽ thấy rõ sự thật các pháp từ trong thực tánh Duyên khởi, thể nhập Niết bàn từ trong cõi mộng của đời. Đó là mục đích tối hậu của người hành trì chánh pháp. Khổ đau sẽ vắng mặt, thay vào đó hạnh phúc an lạc hoàn toàn. Đây chính là tài sản mà Đức Như Lai đã đạt được cũng như cho những ai biết thiết lập một đời sống hạnh phúc an lạc ngay giữa cõi đời này.
* * *
Trên đây là bảy món tài sản cao quý mà Đức Phật đã dạy, đã trao cho đại thần Ugga nước Kosala. Thực chất là Ngài muốn trao tặng cho những ai biết hướng đến đời sống hướng thượng. Đây chính là "của để dành" thiết thực nhất, nó có giá trị miên viễn không bị chi phối bất cứ định luật gì cả giữa cuộc đời này. Vấn đề còn lại của chúng ta trong thời đại này là con người hiện nay đang bị bao vây bởi mọi sự cám dỗ vật chất bắt nguồn từ sự thành tựu khoa học kỹ thuật và một tâm lý thường xuyên ưa nắm giữ của cải. Người ta cứ ngỡ càng tích lũy tài sản vật chất bao nhiêu là càng có của để dạnh bấy nhiêu, ngõ hầu chúng có thể góp phần kiến tạo đời sống hạnh phúc cho chính mình. Thật ra "của để dành" cần phải tích lũy, cần thiết lập là bảy món tài sản cao quý mà Đức Phật đã tận tay, tận lòng trao cho chúng ta cách đây 2500 năm về trước để giải thoát khổ đau. Trân trọng và thừa kế bảy tài sản cao quý mệnh danh là Thất Thánh tài này chính là người thừa tự Pháp, thừa tự công hạnh của Như Lai xưa cũng như nay, thế thôi.

Tại sao ai cũng cần có khổ đau?

Chỉ có ai đã trải qua nỗi đau khổ tột cùng mới có khả năng cảm nhận được hạnh phúc tột cùng.Only a man who has felt ultimate despair is capable of feeling ultimate bliss.Alexandre Dumas

   Khổ đau đến giống như những ngày mưa gió bão bùng để nhắc nhở chúng ta biết sống và trân quý những ngày nắng đẹp, gió hiền.  Tất nhiên, không ai muốn mình bị đau khổ và luôn tìm mọi cách để tránh né chúng.  Nhưng, đôi lúc, chúng ta cần có đau khổ để cảnh báo mình phải dừng lại để đánh giá cuộc sống của mình.  Những người đạt đến đỉnh cao hạnh phúc trong đời sống là những người biết hướng tâm nhiều về tâm linh và thường không quan tâm nhiều đến vật dục.  Mỗi ngày, chúng ta phải trải qua một cuộc đấu tranh lớn bên trong nội tâm.  Đó là cuộc đấu tranh giữa thể xác và tâm linh.  Thể xác là nơi phát sinh những đam mê vật dục mà mình sinh ra đã có sẵn từ giòng họ, hay mình đã tạo tác trong trong quá khứ.  Đau khổ thường xảy ra khi vật dục không được đáp ứng thỏa đáng, và tâm linh thì cứ tiếp tục đòi hỏi thêm mãi.  Nghĩa là thân và tâm không được hòa hợp, bình an. 
    Một người kia vừa mới chết và được sinh vào một nơi thật là xinh đẹp, bao quanh với mọi thứ lạc thú không thể nào tưởng tượng được.  Một người bận áo choàng trắng đến đón chào anh ta và nói, “Ngài có thể có mọi thứ ngài muốn - thức ăn, khoái lạc, mọi thứ giải trí.”
    Anh ta thật là sung sướng, và cả ngày anh ta thử hết tất cả những món mà anh ta đã mơ ước khi ở trần gian.  Nhưng một ngày kia, anh ta đâm chán với tất cả mọi thứ, và cho gọi người hầu đến, và nói, “Tôi chán hết mọi thứ ở đây rồi, tôi cần một việc gì đó để làm. Ông có việc gì cho tôi làm hay không?”
          Người hầu buồn bả lắc đầu, rồi đáp, “Xin lỗi ngài. Đó là điều duy nhất chúng tôi không thể thỏa mãn yêu cầu của ngài. Không có việc làm gì ở đây cho ngài cả!”
          Nghe người hầu trả lời xong, anh ta bèn quát lớn, “Thật là hay chưa! Tôi chẳng thà sinh vào địa ngục.”
          Người hầu đáp nhẹ nhàng, “Vậy ngài nghĩ ngài đang ở đâu đây?”
Theo như câu chuyện cho thấy, nếu sống ở đời mà không có khổ đau thì đời người thật là trống vắng và buồn chán!  Điều đáng nói ở đây là: Tại sao đau khổ lại cần thiết trong đời sống?  Đau khổ sẽ mang lại lợi ích gì mà mình cần đến nó?  Nếu chúng ta tư duy cho kỹ mình sẽ thấy tại sao Phật lại nói về khổ đế (sự thật về khổ), là một trong bốn sự thật (Tứ đế), trong bài giảng đầu tiên, chuyển pháp luân.  Tại sao đức Phật không khởi đầu bằng đạo đế (sự thật về đạo)?  Nhớ lại lịch sử khi đức Phật còn là thái tử, trong lúc dạo chơi ngoài thành, Ngài đã trực tiếp nhìn thấy khổ đau.  Ngài kinh ngạc phát hiện ra rằng những khổ đau này không chừa ai cả! Như lời ông Xa nặc đã trả lời: ‘Hễ làm con người tức là phải có bệnh, có lão, và có tử.  Không ai có thể tránh khỏi.’ Ngài lại càng ngạc nhiên thêm khi thấy hầu như ai cũng mặc nhiên chấp nhận sự thật này mà không hề làm một cái gì đó để tránh né.  Khổ đau là đầu mối khiến Thái tử Tất Đạt Đa ưu tư không dứt và là một trong những nguyên nhân khiến Ngài quyết tâm cầu đạo giải thoát.
          Nếu tôi nhớ không lầm thì trong một đoạn kinh văn có mô tả: Sau khi đức Phật giác ngộ, Ngài bèn lên đường trở lại núi Tuyết để giáo hóa cho 5 anh em Kiều Trần Như, như Ngài đã hứa trước khi xuống núi.  Trên đường, Ngài có gặp một hành giả du già khổ hạnh vị hành giả này thấy Phật tướng hảo, nhưng lại quá sạch sẽ, gọn gàng, trông không giống một vị du già sư, bèn hỏi: “ Ngài là ai? Tu hạnh gì? Sao trông nhẹ nhàng, tự tại vậy?”  Đức Phật trả lời: “Ta là Phật, là bậc giác ngộ, đã thấu rõ mọi lẽ sanh diệt của tất cả các pháp thế gian nên không còn luân hồi sanh tử nữa!.”  Vị du già sư nghe xong, quay lưng bỏ đi.  Ông vừa đi, vừa lắc đầu không tin, và trong đôi mắt có vẻ thương hại Phật vì nghĩ rằng Phật đã mất trí nên mới dám xưng tụng mình như vậy!
           Câu chuyện cho chúng ta thấy nếu Phật chỉ nói về sự giác ngộ của Ngài thì có lẽ không ai có thể hiểu nổi được Ngài nói cái gì! Cái mà chúng ta kinh nghiệm nhiều nhất đó là đau khổ.  Và chính vì vậy, đức Phật đã dạy chúng ta cách nhìn thấy sự thật về đau khổ để tìm con đường diệt khổ (đạo đế).  Sự thật mà nói, dù chúng ta đã trải nghiệm nhiều về đau khổ, nhưng phần nhiều chúng ta chỉ biết sợ khổ; và hầu như, ít khi nào học được gì nhiều từ đau khổ.  Bằng chứng là chúng ta luôn chạy theo vật dục để kiếm tìm hạnh phúc và cố tránh né, càng nhiều càng tốt, tất cả những gì mang lại khổ đau.  Thậm chí mình phát tâm tu là cũng vì ‘sợ khổ’. Thế mà oái oăm thay, mình lại cứ đụng phải khổ đau hoài!
         Thực ra, khổ đau không phải lúc nào cũng là điều tiêu cực đáng chán, đáng sợ; ngược lại, có nhiều lúc chúng ta cần có đau khổ để thức tỉnh bản thân.  Như vậy, đau khổ là một vị thầy, nhắc nhở chúng ta phải biết ‘hồi đầu hướng thiện’.  Cho nên trong 2 câu đầu của 10 Điều Tâm Niệm, Phật dạy:
1.  Nghĩ đến thân thể thì đừng cầu không bệnh khổ, vì không bệnh khổ thì dục vọng dễ sanh.
2.  Ở đời đừng cầu không hoạn nạn, vì không hoạn nạn thì kiêu sa nổi dậy…
Cái bệnh khổ và hoạn nạn ở đây đóng một vai trò cần thiết trong đời sống tu tập.  Đó là chúng giúp diệt trừ dục vọng và kiêu sa.  Như vậy, có tuệ giác nằm bên trong bệnh khổ và hoạn nạn.  Chỉ có điều là chúng ta có nhìn thấy cái tuệ giác bên trong đó hay không? Vì phần nhiều chúng ta chỉ biết than oán và lo sợ.  Chính tâm phiền não và sợ hãi này đã che lấp tuệ giác của mình.  Cho nên, khiến mình không vận dụng được cặp mắt chánh tri kiến để thấy rõ giá trị của bệnh khổ và hoạn nạn.
Phật dạy rằng khi mình thật sự cảm nhận được nỗi đau khổ trực tiếp, chúng ta ngay lập tức buông bỏ, cũng giống như khi mình cầm lên cái chảo sắt đang nóng bỏng sẽ khiến mình rút tay lại (trích đoạn từ bài dịch ‘5 Bước Hóa Giải Tính Ghen Tức’).  Khi chúng ta cảm thấy cái đau khổ cùng cực, mình sẽ muốn được giải thoát khỏi chúng ngay vì mình học được từ tuệ giác nằm bên trong mỗi kinh nghiệm, đặc biệt là càng thống khổ thì tuệ giác càng sâu. 
            Như câu chuyện về nàng Liên Hoa Sắc, con một trưởng giả vô cùng sang giàu.  Lúc lên 16 tuổi Liên Hoa Sắc lấy chồng. Sau thời gian chung sống với chồng, Liên Hoa Sắc sinh một bé gái. Nhưng cảnh đời trớ trêu cha chồng chết sớm, mẹ chồng dụ dỗ chồng của Liên Hoa Sắc vào con đường mất hết đạo lý, và bà còn đối xử tệ bạc với Liên Hoa Sắc. Cuộc sống của Liên Hoa sắc không khác một tớ gái trong gia đình.  Quá buồn tình uất ức, Liên Hoa Sắc trốn nhà ra đi, bỏ con lại cho chồng, và cũng không dám trở về với gia đình cha mẹ nên lang thang đó đây, kiếm kế sinh nhai. Sau mấy năm ổn định lại tinh thần, hương sắc phục hồi, Liên Hoa Sắc tái giá với một thương gia giàu có. Vì sự nghiệp buôn bán ngược xuôi, chồng Liên Hoa Sắc ít có ở nhà.
            Nhờ có tay buôn bán, chồng của Liên Hoa Sắc làm ăn ngày một phát đạt. Một hôm chồng bà lén dẫn về một nàng hầu trẻ đẹp. Để tránh xáo trộn trong gia đình, chồng bà tậu một biệt thự riêng để nàng hầu cư ngụ. Nhiều đêm, thương gia lấy lý do giao tế, thăm viếng bạn bè, để đến nhà riêng ăn ở với nàng hầu. Nghe bà con làng xóm xì xầm, Liên Hoa Sắc để tâm theo dỏi. Vào một đêm, Liên Hoa Sắc đi bắt ghen kẻ cướp chồng mình. Khi đột nhập vào ngôi nhà riêng của chồng bắt gặp hai người đang tâm tình.  Nhưng than ôi! Nàng hầu của chồng chính là con gái mình của đời chồng trước. Tâm thần bấn loạn, Liên Hoa Sắc ngã ra bất tỉnh.  Chán nản thế thái nhân tình, Liên Hoa Sắc quyết đi làm gái điếm để phá hoại gia thất của các chàng sở khanh.
          Một hôm, Liên Hoa Sắc đến ẩn nấp trong một hoa viên nằm trên con đường ngài Mục Kiền Liên thường đi qua vào sáng sớm.  Liên Hoa Sắc đón đường ra chọc ghẹo. Nhờ có đạo lực, ngài Mục Kiền Liên dừng lại từ tốn hỏi thăm và quyết tâm thuyết phục người dâm nữ trở về nẻo thiện.  Ngài dạy Liên Hoa Sắc: Tâm hồn bất tịnh thì hãy đem Phật pháp mà tẩy. Đức Phật của tôi có hàng vạn pháp môn rất khế lý khế cơ, con người có thể tùy theo hoàn cảnh, khả năng, để chọn pháp môn tu tập.  ‘Mê nhất kiếp, ngộ nhất thời’, qua lời giải thích an ủi đạo lý, Liên Hoa Sắc tỉnh ngộ, nét mặt trở lại tươi tỉnh, xin đi theo ngài Mục Kiền Liên để bái yết Phật.  Liên Hoa Sắc được Phật cho phép xuất gia, trở thành tỳ kheo ni gương mẫu, và về sau Liên Hoa Sắc chứng quả A La Hán, trở thành vị tỳ kheo ni có thần thông số 1.
          Tỳ kheo Ni Liên Hoa Sắc đã thấu rõ tuệ giác bên trong hoàn cảnh đầy bất hạnh của mình.  Khi quản chiếu sâu xa cuộc đời của Tỳ Kheo Ni Liên Hoa Sắc, chúng ta thấy sự nổi bật của đau khổ, luôn biến hoá, thay đổi tiến trình đời sống của bà. Chúng ta thấy bà sinh ra trong cảnh giàu sang, rồi sau khi lấy chồng, có con.  Đây có thể là giai đoạn hạnh phúc nhất của cuộc đời bà.  Nhưng sau đó, bất hạnh bủa vây sau khi cha chồng qua đời.  Khi lập gia đình lần thứ hai, bà lại có những ngày an vui, hạnh phúc cho đến khi chồng bà lén lút có nàng hầu.  Khổ đau xen kẽ hạnh phúc.  Nhưng chính nhờ những kinh nghiệm đau khổ mà ngài Liên Hoa Sắc đã dễ dàng thấu hiểu và thực hành đúng những pháp môn Phật đã chỉ bày, và nhanh chóng chứng thành quả thánh A La Hán.
          Đúng là: ‘khổ đau là bạn, hoạn nạn là thầy.’ Khổ đau là người bạn chân thật, không dấu diếm, khoe khoan, không màu mè, kiểu cách.  Nó trực tiếp thức tỉnh chúng ta phải nhìn lại đời mình, xem những giá trị mình đang theo đuổi có thực sự quan trọng như mình nghĩ hay không?!  Hoạn nạn cũng vậy, nó đã dạy chúng ta biết dừng lại để nhìn thấy rõ đâu là hạnh phúc chân thật, đâu là chân giá trị của đời sống.  
          Nhờ có chánh tri kiến, chúng ta thấy rằng ai cũng cần có khổ đau vì khổ đau là một liều thuốc đắng giúp trị lành những căn bệnh bất trị. Chúng ta cảm thấy khổ đau không phải là một cái gì thật đặc biệt, chỉ có mình phải chịu như trong câu chuyện Phật dạy bà Kisa Gotami về cái chết của đứa con 7 tuổi của bà. Ai cũng đã từng trải nghiệm khổ đau, bất kể kẻ sang, người hèn. Cứ mỗi lần kinh nghiệm với khổ đau chúng ta lại thấy được nhiều điều giá trị.  Và nếu chúng ta biết dừng lại, quán chiếu những kinh nghiệm đó, mình sẽ tìm thấy cái tuệ giác ngay chính trong kinh nghiệm khổ đau đó. Do đó, khổ đau không còn là kẻ thù mà có thể là một người bạn tuy khó tính, nhưng rất chân thật mà ai cũng cần phải có để giúp mình tu tập, chuyển hóa.
 Xem thêm : phật pháp ứng dụng - Cẩn trọng